Hội nghị về công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi năm 2023

 

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi

Theo đó, sáng  02/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị về công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi năm 2023 với chủ đề “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi”.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Đến dự hội nghị có các đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và MT, lãnh đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của các địa phương, các hội Thủy lợi, hội Đập lớn, các cơ quan thông tin, báo chí cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã nêu ra các vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Trong đó có đề cấp đến mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hiện nay là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Các đơn vị cũng đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Chiều nay, hội nghị tiếp tục nghe các tham luận của các bộ, ngành và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi.

Tin bài: Nguyễn Thế Anh – Phòng Quản lý công trình thủy lợi và NSNT.

Cổng TTĐT Chi cục thủy lợi tỉnh Nghệ An

 

 

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi

(Chinhphu.vn) – Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

02/11/2023  17:02

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (2/11), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu, phát huy tiềm năng và giá trị công trình thủy lợi.

Các đại biểu cho rằng, hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, việc thực thi Luật Thủy lợi và các quy định trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi ở nhiều địa phương chưa triệt để, toàn diện, dẫn đến nhiều chính sách, quy định chưa được thực thi đầy đủ, nhiều hành vi vi phạm, xâm hại công trình thuỷ lợi chưa được xử lý kịp thời, đúng mức.

Theo ông Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động của các đơn vị khai thác.

Ông Học nhấn mạnh: “Việc cấp bù thủy lợi phí cũng như giá thủy lợi phí ra đời cách đây 11 năm đã rất lạc hậu. Nếu chỉ tính trượt giá là 7% thì khoảng 7 năm phải tăng gấp đôi với giá cấp bù cũng như giá thủy lợi phí nhưng đến nay sau 11 năm thì giá vẫn như vậy”.

 

Ông Đoàn Thế Lợi, chuyên gia kinh tế đưa ra đề xuất sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 96 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; cho rằng, mặc dù công trình thủy lợi đã tham gia phục vụ đa ngành, đa nghề, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính tự chủ, tạo động lực đối với việc sử dụng nguồn tiền thu được từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác khiến các tổ chức, cá nhân e dè trong quá trình thực hiện.

Ông Đoàn Thế Lợi chia sẻ: “Phải phát huy vai trò tự chủ của doanh nghiệp, theo đó chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao cho doanh nghiệp thực sự tự chủ. Khi đặt hàng doanh nghiệp thì quyền quyết định là của doanh nghiệp, chứ không phải như hiện nay là chỉ lo trả lương cho số lượng cán bộ, nhân viên trong công ty”.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Bộ Tài chính cũng đã khuyến nghị Bộ NN&PTNT triển khai đặt hàng doanh nghiệp thủy lợi, tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, phải tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trước khi thực hiện đặt hàng doanh nghiệp. Giá phí thủy lợi như hiện nay khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Luật Thủy lợi cùng Luật Giá khi ban hành với kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động tự chủ, xã hội hóa tại các công ty khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do quy định pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến còn nhiều vướng mắc trong thực thi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các công ty khai thác công trình thủy lợi ngoài phục vụ công ích, muốn hoạt động tốt, nâng cao đời sống người lao động thì phải có các dịch vụ khác. Để thu được dịch vụ khác như du lịch, điện mặt trời, cấp nước sinh hoạt, hay thoát nước thải… thì cần tính đúng, tính đủ. Khi Nghị định 96 được sửa đổi, UBND tỉnh có quyền tự ra quyết định thì các công ty có thể thu được từ các loại hình dịch vụ thủy lợi khác. Qua đó sẽ thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi. Thủy lợi sẽ chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, góp phần thu hút đầu tư vào thủy lợi.

Đỗ Hương – Báo ĐT Chính phủ

ĐDPL công bố TT: Ng.M.Huệ

st: Ng.H.Vũ-14/11/2023