Con đập nối hai ngọn núi Trù Cát thuộc xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa ở bờ bắc với ngọn núi Qui Hậu thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa ở bờ nam.

  1. Quá trình xây dựng Đập Đồng Cam

Ý tưởng thiết kế

Trước khi có đập Đồng Cam, người dân ở đồng bằng Tuy Hòa đã biết làm kênh mương dẫn thủy nhập điền để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhìn chung toàn bộ cánh đồng Tuy Hòa chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Với đặc điểm về địa hình, khí hậu, thủy văn, cùng hệ thống sông có độ dốc cao, Phú Yên luôn thừa nước vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô. Lưu lượng nước thất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chỉ khai thác được một số vùng ở lưu vực sông Cái (sông Kỳ Lộ) và một số sông nhỏ nằm ở phía tây của tỉnh. Trong khi đó, vùng hạ lưu Tuy Hòa rộng lớn với lớp đất phù sa màu mỡ nhưng chỉ trồng được 1 vụ, trông chờ nhiều vào nước trời.

Đập Đồng Cam là dạng đập tràn dài 680m, cao từ 5-15m, mặt đập rộng 2m. Hệ thống kênh chính dài tới 165km và 350km kênh tiểu câu; tưới cho 19.000ha (tả ngạn 11.000ha, hữu ngạn 8.000ha). Hồ sơ khảo sát, thiết kế mãi đến ngày 30/11/1923 mới được phê duyệt; thời gian khảo sát, thiết kế là 14 năm, có thời kỳ bị gián đoạn; thi công 8 năm (1924-1932), kinh phí đầu tư 3,65 triệu đồng Đông Dương.

Các đề án nghiên cứu về việc xây dựng một hệ thống thủy nông trên sông Ba bắt đầu triển khai vào năm 1889, nhưng không được chấp thuận do thiếu kinh phí và nhân công.

Đến năm 1904, Nhóm khảo sát, thiết kế đập Đồng Cam lúc bấy giờ có 64 người gồm kỹ sư trưởng, kỹ sư phó, tham tán, giám thị, kỹ thuật viên; trong đó có người Pháp, người Việt, đặc biệt có ông Xuphanuvông sau là Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tham gia. Trong số đó có kỹ sư trưởng Autoine Fayard còn rất trẻ ngoài 20 tuổi, ông đã gắn bó với việc tạo ý tưởng, khảo sát, thiết kế công trình vĩ đại này. Ông vượt đèo lội suối, ăn ở, uống rượu cần với đồng bào; có lần ông ở lại làng Phú Sen phác họa đồ án đập nước trên sông Ba để cung cấp nước cho 2 con kênh uốn khúc bên 2 bờ sông. Hơn 20 năm gắn bó với công trình này, ông để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, làm việc hết mình vì công trình, vì sự ấm no cho người nông dân.

Qua khảo sát, người Pháp chọn đập đầu mối xây dựng ở thôn Mặc Hàn (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) cách TP Tuy Hòa khoảng 30km về phía thượng nguồn sông Ba. Sông Ba từ cao nguyên đổ xuống đến đây đột ngột thu hẹp lại, dưới lòng sông là cả một dải đá bazan nguyên khối, tạo nền móng vững chắc cho con đập.

Đập chính có hình dáng như khuỷu tay, tựa vào hai bên núi, thế vững chắc, chống lại dòng chảy. Các kỹ sư Pháp chọn độ cao mặt đập là 22,4m so với mặt nước biển, đây là con số cực kỳ quan trọng liên quan tới nước từ sông Ba đổ về tràn qua mặt đập nhất là khi lũ lụt. Độ cao trên còn quyết định khối lượng, mực nước dâng để tràn vào kênh chính tỏa đi tưới cho cả cánh đồng Tuy Hòa. Có những năm nắng hạn kéo dài, mực nước hạ xuống 1,5m so với mặt đập, ta có thể đi bộ từ bờ nam sang bờ bắc và ngược lại, thế nhưng nước lúc nào cũng vào đầy 2 kênh chính. Hai đầu con đập là 14 cửa thu nước vào kênh chính và 2 cửa xả cát, xả sạn, có hệ thống van điều khiển đóng mở dễ dàng.

Huy động sức người, sức của chinh phục dòng sông

Đến năm 1924, công trình chính thức khởi công xây dựng.

Xây dựng đập Đồng Cam trên sông Ba vào cuối thập niên 1920

Toàn bộ con đập được xây dựng bằng bê tông đá hộc, bên ngoài là đá hình lăng trụ, bê tông cốt thép không nhìn thấy. Những viên đá có hình dáng lăng trụ được gọt đẽo rất tinh xảo, bề mặt hình lục giác, các mạch vữa xây đều nhau khoảng 2cm, như mặt tổ ong khổng lồ, một loại hình kết cấu đá siêu bền.

Trong diễn văn Toàn quyền Đông Dương Pasquier đọc ngày 7/9/1932 khánh thành đập Đồng Cam có đoạn viết: “Tôi nhớ lại hồi ấy, một dịp đến thăm công trường, tôi nói đùa bằng cách so sánh công việc của các kỹ sư chúng ta với một nhà trồng răng khỏe mạnh phi thường nhằm bịt các lỗ răng sâu nằm trong chiếc quai hàm vĩ đại này, sau khi đã nạo sạch đến tận đá gốc cứng bằng các máy khoan có công suất rất mạnh. Phải hết 6 năm mới chinh phục được dòng sông này, thời gian còn lại là việc xây dựng hệ thống các kênh chính và kênh phụ”.

Hệ thống kênh phần lớn được khảo sát xây dựng bám theo các trục giao thông, trên là đường đi, dưới là kênh nên rất thuận lợi cho việc điều hành, tu bổ và tiết kiệm ruộng đất. Có 2 dòng kênh chính chạy dọc theo bờ bắc và nam sông Đà Rằng, các kênh nhánh cấp 1, cấp 2 tỏa khắp cả cánh đồng Tuy Hòa (trừ vùng đất phía nam sông Bàn Thạch). Nhìn xuôi theo dòng chảy, bên tả là các kênh nhánh mang tên số lẻ như kênh N1, kênh N3; bên hữu số chẵn như kênh N2, kênh N4.

Kênh chính phía nam dài 9km, phía bắc dài 18km, một bên là triền núi cao, một bên là sông Đà Rằng hiểm trở, có nhiều sông suối chia cắt. Khi vượt qua sông suối lớn, lũ hung dữ phải làm lù ngầm hoặc làm cầu máng vượt qua. Kỹ thuật thiết kế, thi công hai đoạn kênh chính vô cùng phức tạp, nhiều đoạn kênh phải xử lý chống thấm. Tháng 11/1930, một trận lũ lịch sử đã phá vỡ hoàn toàn một đoạn dài kênh chính nam, phải thay đổi phương án thiết kế từ kênh hở thành đường dẫn kín bằng bê tông cốt thép, khi lũ lớn con kênh ngập hoàn toàn trong nước.

Trên các tuyến kênh được xây dựng nhiều đập dâng (ga), vị trí xây dựng ga là nơi thay đổi độ cao, nơi phân chia dòng chảy từ kênh lớn sang kênh nhỏ, ga có tác dụng điều phối nước cho từng dòng kênh, đoạn kênh để tưới cho các cánh đồng và hạn chế sạt lở bờ kênh. Mặt nước trong kênh mùa tưới luôn đầy ắp, có khi sát mép lề đường, lững lờ không chảy, chỉ gợn nhẹ khi làn gió thổi qua.

Đập đầu mối khi xây dựng đã sử dụng 19.000m3 đá xây, phá 22.000m3 đá và 300.000m3 đất đá làm đường thi công; vận chuyển vật liệu chủ yếu là thủ công bằng đường bộ và đường thủy. Tổng số là 5,35 triệu công xây dựng, trung bình hàng ngày có 1.200 người, ngày cao điểm lên tới 5.000 người trên công trường, đa số là lao động người địa phương. Quá trình xây dựng đã xảy ra 20 lần sự cố do mưa lũ làm sập vỡ công trình, hạng mục công trình, phải 3 năm thử tải, xử lý kỹ thuật, công trình mới ổn định. Tai họa lao động, lũ lụt đắm đò, nổ mìn phá đá, rừng thiêng nước độc… làm cho 54 người chết. Thế nhưng với tinh thần, ý chí, vượt mọi khó khăn, thử thách, con người đã thành công, chinh phục được dòng sông theo ý tưởng phác thảo ban đầu.

Ngày 7/9/1932, công trình đập Đồng Cam được khánh thành. Ngày khánh thành vua Bảo Đại từ Huế vào dự lễ, để kỷ niệm sự kiện người ta đặt tên đập Đồng Cam là đê Thụy Phong (tên húy của vua Bảo Đại), có Bảng vàng đóng chìm vào đập phía bắc ghi là Đập Thụy Phong. Nước về đồng, cây cối xanh tươi, xóm làng yên vui; nhìn những dòng kênh nước mát tự chảy, như là phép màu biến cánh đồng khô cằn thành thâm canh hai ba vụ, mùa màng bội thu.

Đứng trên đầu kênh bắc nhìn nước trườn qua mặt đập đổ xuống tung bọt trắng xóa như dải lụa trắng vắt ngang dòng sông, phía trên đập nước trong xanh phẳng lỳ như mặt gương rộng hàng trăm héc ta; phía dưới đập nước chảy róc rách qua các khe đá, từng đàn cá bơi lội tung tăng; những hòn đá to nhỏ có hình thù rất kỳ thú do sự bào mòn của nước, những bụi cây xanh tốt đang đâm chồi nảy lộc, thoang thoảng hương lan rừng, lòng ta xao động nhớ về quá khứ, mường tượng công lao người tạo dựng, cao sừng sững như núi Trù Cát phía sau lưng.

Tam cấp để đi lên bia tưởng niệm

Để tưởng nhớ những người đã mất khi xây dựng đập,người dân xây miếu dân phu để thờ, lập bia tưởng niệm, và còn có ngôi miếu Sơn Vân ngay cạnh con đập, có 2 câuđối để hậu thế nhớ đến người có công xây dựng “Hà hãn niên niên vong – Giang lệ dạ dạ cửu” , nghĩa là Sông mồ hôi thì năm tháng quên đi, nhưng Sông nước mấtthì nhớ mãi. Bia tưởng niệm được bài trí công phu theo thế rồng cuộn,lân chầu mặt nguyệt, sư tử; kiến trúc kiểu lăng tẩm kinh thành Huế xưa ghi danh những người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng đập. Có 54 bậc tam cấp lênbia tưởng niệm tượng trưng cho 54 người đã khuất khi xây dựng công trình.

 

Đập Đồng Cam là công trình có giá trị

thẩm mỹ lẫn kỹ thuật cao.

  1. Những năm kháng chiến

Trong chín năm kháng chiến, thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn để phá hủy đập Đồng Cam nhằm thắt chặt “dạ dày kháng chiến” của vùng tự do Phú Yên và Liên khu V.

Đầu năm 1947,  giặc Pháp đặt mìn, phá hỏng cống xả cát bờ nam  và cầu máng Quy Hậu.

Ngày 25/8/1949, thực dân Pháp huy động 500 quân có máy bay yểm trợ từ M’Đrắk (Đắk Lắk) và Cheo Reo (Gia Lai) tấn công xuống sông Ba – Trường Lạc, mang theo nhiều thuốc nổ, mìn nhằm phá hủy đập đầu mối Đồng Cam. Quân dân Phú Yên và bộ đội chủ lực ta (Liên trung đoàn 80-83) và Trung đoàn 84 mà nòng cốt là Tiểu đoàn 365 đã anh dũng chặn đứng và bẻ gãy cuộc càn quét quy mô của địch, diệt hàng trăm tên địch tại trận địa, làm bị thương hàng trăm tên, bộ đội ta dùng trung liên 12,7 ly bắn rơi máy bay địch ở cầu máng Đồng Bò, bảo vệ vững chắc đập đầu mối và các vị trí xung yếu của hệ thống thủy nông Đồng Cam.

Ngày 6/6/1952, giặc Pháp ném bom phá hủy cầu máng Đồng Bò và cầu máng Suối Cái. Hệ thống kênh chính đầu nguồn bị phá hủy ở những vị trí xung yếu nhất. Hai năm liền sau khi bị phá sập cầu máng, làm mất nguồn nước tưới lúa nên dân ở đây rơi vào thảm cảnh đói. Chính quyền cách mạng đã huy động hàng vạn dân công khẩn trương khắc phục để cứu ruộng đồng. Biết bao máu, nước mắt, mồ hôi, công sức của nhân dân Tuy Hòa đã đổ ra để giữ vững mạch sống quê hương trong hai cuộc chiến tranh.

  1. Giai đoạn phát triển hiện nay

Lợi ích kinh tế

Sau khi được hoàn thành xây dựng vào năm 1932 và trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trước đó, vào năm 1933 Đập Đồng Cam được chính thức đưa vào sử dụng, cung cấp nước tưới cho hơn 19.000 hecta ruộng lúa của Phú Yên.

Ngay từ lúc công trình đưa vào sử dụng, đồng bằng Tuy Hòa sản xuất ổn định 2 vụ/năm, nhanh chóng trở thành vựa lúa của miền Trung. Vùng nguyên liệu mía được hình thành, thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy đường Đồng Bò. Những nông dân 80-90 tuổi ở thung lũng sông Ba, kể lại rằng với nguồn nước đầy ắp, họ có thể trồng lúa ổn định trong năm, việc hoàn thành xây dựng hệ thống kênh và đập nước đã biến đổi đời sống của dân làng, bởi vì chẵng bao lâu sau họ không cần phải lên núi lùng bắt các thú hoang và đào bới những củ rễ rừng”.

Đập Đồng Cam như là cuộc đổi đời cho người dân Phú Yên. Nhờ đó mà có được cơm no, một năm được hai vụ lúa, năng suất tăng cao hơn ngày chưa có con đập gấp mấy lần, cũng nhờ có con đập mà thời Việt Minh, Phú Yên đã đóng góp lương thực cho Liên Khu 5 và hỗ trợ cứu đói cho những tỉnh lân cận.

Cánh đồng lúa Phú Yên

Hiện nay, tại thời điểm năm 2023, riêng hệ thống thủy nông Đồng Cam đã phục vụ tưới tiêu cho khoảng 27.000 ha của 2 vụ mùa mỗi năm. Tổng cộng các hệ thống do Công ty quản lý khai thác bao gồm cả hệ thống thủy nông Đồng Cam cùng với các hồ chứa nước, Trạm bơm điện và hệ thống thủy lợi khác phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho gần 37.000 ha canh tác của cả năm trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Công cuộc sửa chữa, duy tu và phát triển

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên cùng các địa phương hưởng lợi từ công trình đã và đang đầu tư triển khai nhiều biện pháp duy tu, sửa chữa, gia cố, khôi phục, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thủy nông Đồng Cam. Chúng ta đã khắc phục nâng cấp các phần cơ bản, các công trình chính của hệ thống thủy nông Đồng Cam như bọc bê tông cốt thép đập đầu mối; Lù Thừa Bị; bê tông hóa hai kênh chính Bắc, Nam và một số kênh cấp 1, 2. Các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và thành phố Tuy Hòa đầu tư nâng cấp hàng trăm Km kênh mương nội đồng. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã tổ chức duy tu, sửa chữa nhiều hạng mục công trình; quản lý, bảo vệ hệ thống công trình kênh mương trên toàn hệ thống an toàn, cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh Phú Yên trước mắt và lâu dài.

Mở nước vụ hè thu năm 2020

1993 lũ lịch sử phá hỏng một đoạn đập phía bắc dài 60m, hư Tuynan Thừa Bị và rất nhiều công trình trên kênh. Năm 2000 Bộ Nông nghiệp và PTNT duyệt thiết kế sửa chữa nâng cấp đập Đồng Cam bằng nguồn vốn WB (Ngân hàng Thế giới) 2,5 triệu USD.

Phần lớn kinh phí dùng vào sửa chữa nâng cấp đập, bọc toàn bộ đập đã xây phần tràn nước dài 525 m bằng bê tông cốt thép và nâng cao trình đập lên 45cm từ 22,4 m lên  22,85 m. Sau đó mực nước ngang tràn 22,85 cm thì hai cống nhận đủ thiết kế 28 m3 /s. (trước đó khi chưa nâng đập thì nước tràn qua cao trình 22,4 cm  đành bỏ đi).

  1. Vinh dự và tự hào

Cứ mồng tám tháng giêng hằng năm, nơi đây sẽ tổ chức lễ hội, ngày hội  Đập Đồng Cam.

Đập Đồng Cam trên sông Ba là một kiệt tác của thế kỷ XX. Đến nay, đập Đồng Cam vẫn được xem là hình mẫu về kỹ thuật xây dựng công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thế, đập Đồng Cam còn là một thắng cảnh nổi bật trên sông Ba. Những yếu tố tự nhiên trên đây đã làm cho khu vực đập Đồng Cam trở thành một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên mây trời, non nước, hấp dẫn của Phú Yên.

Lễ hội Đập Đồng Cam được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Đến với Đồng Cam, chúng ta không chỉ có thể nhìn ngắm sơn thủy hữu tình, mà còn cảm nhận được mồ hôi công sức của cha ông trong quá trình khai sơn phá thạch, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Với những giá trị của công trình về mặt kinh tế, lịch sử, văn hóa, tâm linh và cùng với quần thể cảnh quan đẹp, năm 2014, hệ thống công trình đầu mối đập Đồng Cam được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh và tháng 9/2022 được Bộ VH-TT&DL công nhận xếp hạng đập Đồng Cam là di tích cấp quốc gia. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi Hệ thống thủy nông đập Đồng Cam, cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và quản lý trực tiếp Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh đập Đồng Cam. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân tỉnh nhà và của Công ty.

Mùng 8 tết nguyên đán năm 2023

Con đập đã vươn mình trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ để lại một giá trị văn hóa lịch sử cũng như góp phần xây dựng kinh tế địa phương cho đến ngày hôm nay và mai sau.

Mùng 8 tết nguyên đán năm 2021

Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đập Đồng Cam xứng tầm với vị thế của một di tích cấp quốc gia, cùng quản lý, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh này hiệu quả, Tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến tham quan nhằm phát triển du lịch ở địa phương, xem đây là niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di tích văn hóa của dân tộc Việt Nam. Công ty đã có kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên đưa di tích cấp quốc gia đập Đồng Cam vào quy hoạch du lịch trong nhiệm kỳ 2025-2030 và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái để đập Đồng Cam trở thành điểm du lịch văn hóa cội nguồn tại Phú Yên.

* Tài liệu tham khảo:

–  Qua 100 năm, tìm lại di sản một công trình xây dựng – Bài viết của: Thomas Fuller, phóng viên báo International Herald Tribune – The New York Times.

–  Di tích quốc gia đập Đồng Cam – điểm du lịch về lịch sử, văn hóa tâm linh – Bài viết của:  Mỹ Bình  – Báo Bộ XD.

–  Quá trình xây dựng đập Đồng Cam – tỉnh Phú Yên  –  Bài viết của  Lê Ngọc Thái,    học viên Cao học, Lịch sử Việt Nam, Đại Học Quy Nhơn.

–  Theo Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, annee 1932, Ha Noi; người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, hệ thống thủy nông Tuy Hòa).

–  Đập Đồng Cam – niềm tự hào của dân Phú Yên! – Bài phỏng vấn ông Trần Tiến Anh,  nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam  – Báo Phú Yên Online.

–  Đập Đồng Cam xứng tầm di tích quốc gia  – Bài phỏng vấn ông Nguyễn Minh Huệ,  Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam – Báo Phú Yên Online.

–  Khám phá kiệt tác đập Đồng Cam –  Bài viết của:  ông Hoàng Xuân Thưởng – Báo Phú Yên Online.