
Đập Đồng Cam (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Công trình do kỹ sư người Pháp Lefevre cùng cộng sự thiết kế từ năm 1917, được khởi công vào năm 1924 và hoàn thành vào năm 1932. Toàn bộ thân đập dài 688m với hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ.
Đập Đồng Cam được xây dựng trong 8 năm với sự góp sức của 64 nhà thiết kế đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau như Việt, Lào, Pháp… Để xây dựng công trình quy mô này, hơn 2 triệu mét khối đất đã được đào, trên 360.000 mét khối đá bị phá bỏ, sử dụng thêm hàng trăm mét khối gỗ và hàng trăm tấn sắt thép. Lịch sử ghi lại, trung bình mỗi ngày công trường có khoảng 1.200 công nhân làm việc, có thời điểm cao nhất lên đến 5.000 lao động liên tục trong nhiều năm.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, tháng 9/2022, hệ thống công trình đập Đồng Cam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Đập Đồng Cam được xây dựng trên nền đá granit vững chãi, làm gia tăng độ bền vững và sự tồn tại lâu dài cho công trình. Đập nối núi Trù Các (nay thuộc xã Hòa Hội, Phú Hòa) ở bờ bắc với núi Quy Hậu (nay thuộc xã Sơn Thành Đông, Tây Hòa) ở bờ nam, đưa nước vào đồng bằng. Với hai kênh dẫn nước Chính Bắc và Chính Nam, đập Đồng Nam đảm nhiệm việc tưới tiêu cho toàn bộ vùng lúa rộng khoảng 15.000 ha dưới hạ nguồn.
Hiện nay, hệ thống đập phục vụ nước tưới cho 78 đơn vị dùng nước, chịu sự quản lý của 207 tổ chức trong toàn tỉnh. Việc vận hành đập chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động của hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh. Trong những trường hợp cần thiết, tỉnh Phú Yên phải can thiệp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, thông qua các biện pháp như bơm tưới chống hạn.
Lịch vận hành của đập phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý đập Đồng Cam, các nhà máy thủy điện và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh. Các bên tham gia cuộc họp định kỳ nhằm điều chỉnh, thống nhất kế hoạch vận hành phù hợp. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam chịu trách nhiệm xây dựng quy trình vận hành hàng năm, nhằm đảm bảo hiệu quả cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hệ thống thủy nông Đồng Cam là công trình đã được xây dựng và khai thác quá lâu, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống kênh mương. Để tiếp tục phục vụ hiệu quả cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân, hệ thống này rất cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp kịp thời.
Trước thực trạng này, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã chủ động kêu gọi nhiều đơn vị, tổ chức cùng tham gia đầu tư, cải tạo hệ thống thủy nông nhằm khôi phục và phát huy hiệu quả hoạt động của công trình.

Bên cạnh việc tìm nguồn vốn cải tạo, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cũng nghiên cứu định hướng đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở khai thác giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan đặc sắc của khu vực đập.
Hiện đã có doanh nghiệp lữ hành đề xuất hợp tác với ban lãnh đạo đập Đồng Cam, tổ chức tour du lịch “Đồng Cam Xanh – Trải nghiệm di sản, kết nối tương lai”. Dự án hướng tới phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm độc đáo, không chỉ tôn vinh sự khác biệt mà còn bảo tồn, phát huy tối đa các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và kỹ thuật đặc sắc của Đập Đồng Cam.

Ban lãnh đạo đập Đồng Cam kỳ vọng, du khách sớm có thể cảm nhận rõ nét giá trị to lớn mà cha ông để lại trong hành trình khai sơn phá thạch, kiến tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, việc xây dựng đập Đồng Cam trở thành một điểm du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh là hướng phát triển rất đáng quan tâm và đầu tư trong thời gian tới.
Tác giả: Quỳnh Chi
Nguồn: Báo Nông nghiệp và Môi trường